Ở vào địa phận thôn Phú Mỹ trước đây thuộc xã Bình Phú, nay thuộc xã Tây Phú, huyện Tây Sơn có một danh thắng tên gọi hầm hô. Không rõ cái tên dân dã và lạ tai này có tự bao giờ mà ý nghĩa mỗi người giải thích một khác. Có người cho rằng do ở đây có một thác nước cao chừng sáu, bảy mét, đổ vào một hầm đá rộng phát ra tiếng kêu ầm ồ như tiếng hô, báo cho người chèo bè mảng trên dòng biết sắp tới chổ nguy hiểm mà lo phòng bị nên gọi là Hầm Hô. Lại có người giải thích rằng ở miệng hầm đá mọc lởm chởm, chìa ra giống như hàm răng hô nên có tên ấy.

Hầm hô là nơi gặp gỡ của hai nhánh sông Đồng Hưu và sông Cát đổ vào sông Phú Phong. Thắng cảnh là cả một khác sông dài gần tới 3 km, hai bên bờ là những khối đá trập trùng, chỗ thì dựng đứng như thành vách, nơi thì chồng chất lên nhau thành đống, lại có đoạn đá nhọn lởm chởm như những thanh gươm dựng đứng. làm diệu đi vẻ hiểm trở của những vách đá nhấp nhô là nhữ lùm cây xanh mướt. Những bụi sim, mua lá xanh, hoa tím sen lẫn những khóm phong lan cheo leo trên đá, lửng lơ trên những cành cây. Điểm xuyến vào đó là cây cổ thụ im lìm như đang trầm mặc suy tư. Xa xa là những rừng hoa Ngâu đốm vàng với lác đác những khóm mây trắng ẩn hiện. Cây cối mọc lâu ngày, rễ rủ như tóc xõa, soi bóng xuống mặt nước lung linh, nơi từng đàn cá đang tung tăng bơi lội. Sông Hầm Hô có tiếng là nhiều cá, nhất là về mùa lũ. Cá từ khắp nơi kéo về từng bầy trông đặc cả nước. Cá lội ngược dòng bị thác nước hất tung trở lại trông như thể cá bay. Dân gian truyền rằng, hằng năm Long vuong tổ chức kì thi cho cá tại thác Hầm Hô. Con nào vượt qua được sẽ hóa rồng, nên cá từ sông Côn dồn cả về đây để thử vận may. Có lẽ do điển tích này mà thác Hầm Hô còn có tên chữ là Vũ Môn, còn dân gian thì gọi là thác Cá Bay.Vậy mới co thơ rằng:
Hầm Hô nước chảy trong xanh  
Dưới sông cá lội, trên cành chim reo.  
Hầm hô có đá Khổng Lồ,
Có hang Bảy Cử, có vò rượu sôi
Thế nhưng, cảnh đẹp đích thực của Hầm Hô khiến cho du khách viếng thăm phải sửng sốt về sự tạo hóa của thiên nhiên ngay dưới lòng sông. Với chiều rộng trên dưới 30 m, lòng sông chi chít những trụ đá hoa cương thiên hình vạn trạng. Vào mùa thu nước cạn, những ngày trời trông xanh, khi những tia nắng ban mai rọi xuống, những khối đá hoa cương ánh lên muôn màu, lóng lánh, rực rỡ như ngàn vạn viên kim cương khoe mình trên ngàn nước trong xanh. Hình dáng thật kỳ dị của những trụ đá đã chấp cánh cho trí tưởng tượng của bao thế hẹ cư dân nơi đây. Hòn lớn, hòn nhỏ, khối vuông, khối tròn, có những cụm nhìn tụa đàn voi đang tắm, có những dãy trông như thể bày ngựa đang phi. Lại có tảng chẵn khác gì một con cá sấu khổng lồ đang há miệng săn mồi và rồi biết bao hình dạng giống như người, như thú, như vật dụng thường ngày… Tất cả bày la liệt, ngổn ngang mà hài hòa, mà ngoại mục đến mức có lẽ không một họa sĩ, một nhà điêu khắc tài danh nào có thẻ tạo dựng nổi.

   Nếu có dịp du ngoạn bằng thuyền đi dọc sông, đắm mình vào thế giới huyền ảo của thiên nhiên, du khách sẽ có cảm giác như đi vào thế giới thần thoại. Vượt qua bờ đập, đi ngược dòng một đoạn sẽ gặp một vách đá dựng đứng như tường thành với cái tên dân gian Hòn Đá Thành. Trên vách đá rêu phủ xanh rì, từng chùm rể cây leo lòng thòng rủ xuống trông hệt như một bức tường thành cổ kính. Bên trái thành có một bãi đá chồng chất lên nhau. Liên tưởng như có một người khổng lồ đổ cả một thúng đá xuống lòng sông, dân trong vùng gọi đây là khúc sông Trời Lấp. Qua khác sông này, ngược tiếp dòng sông sẽ trông thấy hai bên nhiều khối đá lô nhô, hòn cao hòn thấp với muôn vàn hình dáng khác nhau. Bên những hòn đá quây tụ vào nhau là những vũng nước sâu có tên vũng cá Rói. Vào mùa cạn nước trong vũng vẫn đầy, từng đàn cá rói từ khắp nơi về đay. Khi có mồi ăn, chúng xông vào tranh giành xâu xé, ngồi trên bờ xem không chán mắt. tiếp một đoạn nữa, có một khối đá giống như một cá Sấu lớn nằm ngang giữa lòng sông, chắn dòng nước chảy xiết làm bọt trắng tung trắng xóa, nên có tục danh là hòn Trào. Từ đây không thể đi thuyền được nữa. Muốn đi tiếp vào trong, phải đi bộ đi men theo bờ. Càng đi càng thấy lòng sông hẹp lại nhưng cảnh vật lại càng kỳ thú. Bất chợt từ trên bờ nhìn xuống, ta có cảm giác như không phải là dòng sông mà trước mắt có cả một đàn cừu trắng đang nô giỡn trên thảo nguyên. Ngược về phía thượng nguồn, độ dốc càng lớn, nước chảy càng mạnh. Từng đoạn, từng đoạn chia khúc thành những thác nhỏ, nước chảy ầm ầm dội vào vách núi, cảnh vật càng thêm huyền ảo. Đây đó vang lên tiếng gù của chim Cu Gáy, tiếng hót véo von của chim Khướu, chim Vành Khuyên, tiếng kêu tích tích của những chú chim Sâu đang nhảy nhót trên cành. Thỉnh thoảng lại vang lên tiếng Tắc Kè vọng lại từ những hốc đá, lùm cây. Hương rừng ngào ngạt, dịu thơm hòa lẫn tiếng chim kêu ríu ríu khiến cho du khách có cảm giác như lạc vào cõi thần tiên.


Năm tháng qua đi, nước chảy mài mòn những tảng đá tạo thành vô số những khối hình lô nhô trông xa hệt như một cành san hô khổng lồ và mỗi nhánh lại có một hình dáng riêng. Ba khối đá thẵn thín chụm đầu vào nhau như cỗ đầu rau được đặt tên là hòn Ông Táo. Xa xa nhìn những khối đá lúp xúp khiến ta liên tưởng đến nồi nấu cơm, bát, chén, một cái ấm pha trà… Truyền khẩu dân gian kể lại rằng đây là nơi thần tiên trên trời thường xuống du ngoạn, vui chơi vào những lúc đêm khuya tĩnh mịch. Còn đó dấu chân trên đá của một ông Khổng lồ ngồi câu cá. Nằm giữa lòng sông có một phiến đá với những nét ngang dọc, rêu phủ lờ mờ tương truyền là nơi các vị tiên chơi cờ nên gọi là Bàn Cờ Tiên. Cạnh bàn cờ có hòn đá nước chảy xuyên qua, rồi ùn lên trông như sôi ùng ục, Người đời gọi đó là hòn Vò Rượu.

Đúng vào nơi kỳ thú nhất thiên nhiên lại trải rộng cho du khách một khoảng trống đến hàng nghìn mét vuông có thể dừng chân hạ trại. Nước dưới suối nơi này cũng như hiền dịu hơn tạo thành một nơi tắm lý tưởng. Từ đây có thể nhìn bao quát một vùng rộng về cả hai phía Đông, Tây. Con người dương như nhỏ bé lại trước một không gian mênh mông. Thắng cảnh hầm hô thật đồ sộ. Đá chất chồng, xếp thành nhiều tầng, nhiều lớp mà ngắm nhìn thì như đứng trước một tác phẩm điêu khắc hoành tráng và hoàn mỹ đến độ cho người xem cảm giác choáng ngợp và trong lòng trào dâng những cảm xúc nghệ thuật. Những khối đá vô tri như sống động, như có hồn được bao phủ bởi rêu phong của thời gian, bởi huyền tích do con người thêu dệt. Những dáng vẽ dường như cách điệu siêu thoát đưa ta đi hết sự ngạc nhiên này đến sự ngạc nhiên khác mà sự linh diệu của thắng cảnh chỉ có thể cảm nhận phần nào khi được tận mắt nhìn thấy, được đắm mình trong đó.
Dường như mọi sự miêu tả bằng giấy mực đều không thể lột tả hết được vẻ đẹp của Hầm Hô. Hơn thế, đến đây du khách không chỉ được thưởng ngọn cảnh đẹp kì ảo của thiên nhiên mà còn có dịp sống lại những ngày tháng hào hùng của lịch sử. Chính tại nơi đây, hơn hai trăm năm về trước vị danh tướng Võ Văn Dũng đã rèn quân luyện võ để rồi sau đó hợp lực với các thủ lĩnh Tây Sơn phất cờ khởi nghĩa.

Hồ Núi Một bây giờ vốn là một thung lũng được các dãy núi bao bọc. Sau khi thành hồ thủy lợi, không gian xanh nơi đây trông quyến rũ hơn. Nếu có một ngày rảnh rỗi, bạn hãy thử đến đây thưởng ngoạn cảnh đẹp.
1. Theo quốc lộ 19 đến địa phận thôn An Trường (xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn), rẽ trái theo bảng chỉ dẫn, đi theo con đường bê tông thêm 8 km nữa thì đến khu du lịch hồ Núi Một. Ngược dốc chạy thẳng lên trên bờ đập dài gần 700m, cái nắng hè oi bức đã nhanh chóng tan biến khi trước mắt hiện ra bức tranh sơn thủy hữu tình, hồ nước trong xanh uốn mình giữa những dãy núi, rừng cây chạy dài tận chân trời.

Ngay tại khu vực bến đò, cảnh quan cũng đã rất đẹp với những cây cổ thụ, tảng đá to lớn ven hồ được tạo hóa đẽo gọt lạ mắt. Từ điểm đang xây dựng bia di tích cách mạng An Trường, chúng tôi men theo con đường núi, đi lên khoảng vài trăm mét để tìm đến hang Ông Dài, xưa là nơi cất giấu lương thực và bao bọc cho chiến sĩ cách mạng. Hang khá rộng và đẹp, tôi bùi ngùi chạm tay vào vách đá vững chắc để tưởng nhớ về lịch sử…

2. Bước xuống thuyền du lịch xinh xắn, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình khám phá hồ Núi Một. Cảm giác bình yên, thư giãn tuyệt vời khi được lênh đênh giữa hồ nước mênh mông, cảnh quan rừng núi hai bên đẹp như tranh vẽ. Trải qua 45 phút  “phiêu” trên mặt hồ là đến điểm tham quan thác Đổ, đứng dưới nhìn lên như dải lụa trắng của nàng tiên nào đó bỏ quên giữa lưng chừng núi. Len dưới bóng những cây cổ thụ tìm lên thác Đổ, con đường đi được thiên nhiên “lắp đặt” dàn âm thanh tuyệt hảo với suối nhỏ chảy róc rách, chim hót líu lo, tiếng gió vui đùa, lá cây xào xạc…

15 phút leo núi, thác Đổ hiện ra. Từ độ cao khoảng 30-40m, những dòng nước bạc tung bọt trắng xóa đổ xuống, theo những con suối nhỏ hòa vào lòng hồ bên dưới. Theo con đường mòn nhỏ, tôi tiếp tục leo lên đỉnh thác. Nỗ lực được đền đáp, khi đứng trên đỉnh mới thấy hết tổng thể bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp với thác nước mạnh mẽ, núi rừng hùng vĩ, hồ Núi Một duyên dáng phía dưới. Xung quanh thác đổ có những bãi đất, phiến đá bằng phẳng dưới tán cây cổ thụ rợp mát, thật lí tưởng để ngồi thưởng thức đặc sản chế biến từ các loại cá được thả nuôi tự nhiên dưới hồ như cá bống tượng kho tộ, cá chép chiên xù, chả cá thác lác, cá trắm nấu chua… cùng nhâm nhi li rượu bàu đá nồng nàn.

Cảm giác tận hưởng tuyệt vời khiến mọi ưu tư phiền muộn trong cuộc sống thường nhật đã trôi đi theo dòng nước thác Đổ. Ăn trưa xong, người thì tìm những bóng cây râm mát ngả lưng mơ mộng, người xuống vẫy vùng dưới hồ nước mát lạnh. Bạn cũng có thể mang theo một chiếc cần để tận hưởng cảm giác câu cá giữa bao la trời nước.

3. Giữa buổi chiều chúng tôi lên thuyền trở về, có thêm một điểm dừng chân thú vị là làng đồng bào dân tộc Canh Tiến (xã Canh Liên, huyện Vân Canh). Làng Canh Tiến là nơi chung sống của hơn 100 hộ đồng bào người dân tộc Bana và người Chăm H’roi, vẫn còn giữ được nét đặc trưng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Sự thân thiện, hiếu khách đọng lại trong những ánh mắt trẻ em trong veo, nụ cười hiền hậu của cụ già dân tộc. Anh So Ước, một người dân làng Canh Tiến, bày tỏ tiếc nuối: “Nhà rông của làng đã bị hư hại hơn một năm nay, kinh tế khó khăn nên chưa sửa lại được. Chứ bình thường có khách đến làng chúng tôi tổ chức đánh cồng chiêng, múa xoang đón tiếp tại nhà rông. Sau đó cùng ngồi uống rượu cần với nhau, nghe các cụ già hát hơamon, kể sự tích núi rừng đại ngàn nghe sướng tai lắm!...”. 
Tạm biệt làng Canh Tiến, chúng tôi trở về khi những ánh nắng cuối chiều đang tắt dần trên mặt hồ. Chợt lâng lâng nhớ đến những câu thơ: Hồ Núi Một níu giữ hồn du khách. Ngắm hoàng hôn con thuyền nhỏ mơ màng… (Thụy Kha).
Khu du lịch sinh thái hồ Núi Một cách TP Quy Nhơn 40 km, sân bay Phù Cát 30 km, ga Diêu Trì 25 km. Từ TP Quy Nhơn, nếu không có phương tiện di chuyển, có thể bắt xe khách hoặc xe buýt đến ngã tư Cai Ba (xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn) thì xuống, tiếp tục đón xe ôm tại đây đi vào khoảng 8 km nữa là đến khu du lịch. Nếu đi theo đoàn đông người cần liên hệ với đơn vị quản lý khu du lịch theo điện thoại (0563) 837250 - 0988860824 (gặp anh Thanh Quy) để đặt trước thuyền du lịch trên hồ, các món ăn…

   Rượu Bầu Đá chính gốc được nấu tại làng Bầu Đá, xóm Tân Long, thôn Cù Lâm Bắc, xã Nhơn Lộc, An Nhơn, Bình Định. Hiện nay còn khoảng 30 hộ tiếp tục gắn bó với nghề nấu rượu. Từ xưa đến nay, rượu vẫn được nấu theo quy trình thủ công với một công thức bí mật gia truyền, men gia truyền, đặc biệt nguồn nước để nấu rượu lấy từ nguồn nước ngầm rỉ ra từ khe nước ở trong thôn từ mấy trăm năm nay, chính nguồn nước quyết định chất lượng, hương vị, nồng độ rượu. 
 ruou bau da
     Bởi vậy nên dù có đem công thức này đi nơi khác nấu nhưng không thành công. Mà cũng đúng thôi! Nếu mà được thì đâu còn là rượu bầu đá nữa. Thông thường 6kg gạo (nếp) nấu xong chỉ lấy được khoảng 4 lít rượu. Trong đó nước đầu tiên (gọi là nước nhất) chỉ lấy được khoảng 1 chai nước suối nhỏ, và tất nhiên là nó rất nặng (>50 độ rượu), sau này có thể dùng để pha những lượt nước tiếp theo. Rượu ngon la khoảng 45 độ, trong vắt, mùi thơm đặc trưng, sủi bọt tăm nhỏ đầy ly ( cái này rót phải có nghệ thuật chứ không biết rót tới sáng cũng không sủi bọt tăm được)
 Rượu bầu đá
Thử hỏi có mấy ai đã từng nếm thử qua 1 ly Bầu Đá chính gốc thật sự?
Rất khó phân biệt rượu giả – thật, bởi nồng độ đều rất cao nhưng nếu bạn để ý quan sát kỹ và làm thử 1 ly cho biết thì bạn dễ dàng cảm nhận được:
Rượu thật: có mùi thơm phản phất của rượu gạo. Khi uống ly đầu tiếng cảm thấy rất cay và ngót ở cổ, rượu đi từ miệng xuống dạ dày có cảm giác nóng dần rân người ( rượu chạy đến đâu thì nóng người đến đó). Đến các ly sau khi bạn đã quen dần thì sẽ thấy uống rất ngon, rất êm và dễ chịu (chịu không nổi), uống say hồi nào không biết. Đặc biệt rượu uống không bị nhức đầu. Khác với rượu giả, rượu thật trong chai, rượu tinh khiết, không lắn cặn, khi lắc chai rượu sủi bọt tăm, sẽ nổi dần đều lên và sẽ đóng trên bề mặt rượu khi ngừng lắc. Rượu dễ cháy, khi cháy có màu xanh dương và cháy rất lâu (nướng mực hết xẩy)
Rượu giả (hay còn gọi là rượu chạy): những loại rượu này khó sủi tăm hoặc nếu có sủi tăm thì không tan nhanh mà bọt cứ lợn cợn trên mặt ly do tạp chất lẫn vào. Nếu là rượu trong chai ta chỉ cần lắc nhẹ là đục và rất lâu mới trong trở lại.
Hiện nay trên quốc lộ 1A, đoạn chạy qua huyện An Nhơn có rất nhiều nơi bán tràn lan. Trong đó có rất nhiều cửa hàng bán rượu giả đã làm giảm khá nhiều uy tín – chất lượng rượu Bầu Đá. Nếu chẳng may xui xẻo bạn mua trúng loại rượu cồn, chỉ cần 2 lít cồn pha với 48 lít nước thành 50 lít rượu thì khi uống sẽ ra sao nhỉ?
Do đó việc làm cần thiết hiện nay là gìn giữ chất lượng, giới thiệu, quảng bá để rượu Bầu Đá đứng vững và vươn xa hơn.

Ra Bắc vào Nam…

Quả thực là không ngoa khi tôn vinh rượu Bàu Đá lên hàng đứng đầu về các loại đặc sản đất Bình Định. Đặc biệt là rượu làm từ nếp và đậu xanh. Nhất là rượu Bàu Đá đậu xanh. Chẳng thế mà các hội thảo tầm quốc gia được tổ chức tại Bình Định, quà biếu khách mời cũng như nhà nghiên cứu chỉ dặt một thứ đó là rượu Bàu Đá. Không những chẳng ai chê món quà quê dân dã, đậm tình… mà còn sửng sốt đến kinh ngạc khi thưởng thức.
                                   Lang Ruou Bau Da
Cổng làng nghề truyền thống Rượu Bàu Đá – Làng Cù Lâm – Nhơn Lộc – An Nhơn. (Ảnh namtoqn)
Tôi may mắn được quen với nhà văn Lê Hoài Lương, một trong những người sành về thưởng thức Bàu Đá. Và cũng là người rất hay giới thiệu thứ đặc sản lỡ có “duyên” này với bạn bè khắp mọi miền đất nước. Có một chi tiết khá thú vị được chú cho biết – nhiều người, nhất là bạn bè làng văn ở tận Hà Nội, Sài Gòn… thường đặt mua rượu để có khi nhâm nhi, đãi khách quý và thường là đối ẩm cùng bạn cố tri…
Ngay cả bản thân mình, học rồi làm tận Sài Gòn. Đôi khi thèm Bàu Đá đến nao lòng. Bèn nhờ cậu em ở Quy Nhơn, phải cất công tới tận lò để mua dăm ba lít hòng gửi vào. Rồi nhân hứng mà bỏ chút thời giờ chiêm nghiệm lẽ tử sinh ở đời. Chưa già nhưng được cái thích gì làm nấy, vui vẻ và an nhiên.

Bàu Đá khai vị đầu xuân

Điều đó như lẽ tất nhiên ở đời… Nhiều lúc thấy mình đã già. Miệng cứ nhẩn nha hai câu thơ của Đào Tấn: “Thập lý hồi xa khan trúc trưởng / Nhất xuân tàn tửu đãi liên khai” (Bao phen rượu nhín chờ sen nở/ Mươi dặm xe về thấy trúc cao – lời dịch Vũ Ngọc Liễn). Bao khúc mắc bỗng rõ ràng, rành rọt hẳn. Không say quá độ mà chỉ nhấp hơi men đón những điềm tốt đẹp đang khai nở khi xuân về.
Bàu đá được bày bán khá la liệt nhiều nơi. Nhưng người sành phải biết “gạn đục khơi trong” để tìm được đúng cái chất truyền cảm hứng mà chấp bút nhằm đạt lộ viên mãn trong hạnh ngộ. Kể cả khi những xui rủi của năm cũ còn lấm lem chút bụi trần chen chân vào ly rượu hợp thì điều đó như một hàng động “tống cựu nghênh tân” mà thôi. Cứ mở lòng mà thưởng ngoạn!

Món quà chân thành…

Rượu Bàu Đá có khá nhiều loại. Tùy vào mỗi loại mà có các công đoạn ủ nấu khác nhau.
Cuộc sống bây giờ đúng là chẳng thiếu thứ gì. Những nhu cầu thiết yếu đều có các dịch vụ tốt cung ứng. Nhưng nấu rượu không chỉ cần kỹ thuật mà còn cần cái tâm dốc hết vào đấy. Mẻ rượu có ngon hay không đôi khi là do “dụng công” đạt độ, đôi khi lại do may mắn mà thành. Người thưởng thức rượu cũng chòng chành, đong đầy như thế chăng? Tôi thì chưa đến độ chín nẫu để hiểu tường tận nhưng bạn hữu tốt gặp nhau mà cụng cạch dăm ba ly cũng lấy làm mừng, làm tủi.
Tôi lại chỉ mong một lúc nào đó? Rượu Bàu Đá như là một cống phẩm tiến vua như lời đồn thổi xa xôi mà người ta thêu dệt nên. Người Việt tìm đến Rượu Bàu Đá như bản thân gặp được tri kỷ. Hạnh ngộ rồi viên mãn tròn đầy!
LÊ MA – CLB sáng tác trẻ Bình Định
Trên đây là một vài kinh nghiệm mà mình biết. Hy vọng sẽ nhận được những ý kiến đóng góp thêm của mọi người, để không làm mất đi hình ảnh của một loại đặc sản nổi tiếng Bình Định.

Người Bình Định thường nhắc đến câu ca dao khi nói về một món đặc sản đậm đà hương vị quê hương miền đất võ: Ai về Vinh Thạnh quê em/Ăn nem chợ Huyện, xem đêm hát tuồng. Theo Văn hóa ẩm thực Bình Định, thôn Vinh Thạnh ngày xưa là huyện lỵ Tuy Phước, có chợ Huyện buôn bán sầm uất; đặc biệt nhất là hát tuồng - quê hương của vị hậu tổ tuồng Đào Tấn. Hễ có hội là có hát. Ngoài thú xem tuồng còn có thú ăn uống. Món ăn tuy nhiều nhưng nổi bật nhất là "nem chợ Huyện", nem nổi tiếng từ xưa cho đến bây giờ.
 Nem Cho Huyen
    Theo kinh nghiệm gia truyền của các nhà sản xuất, nem ngon là nhờ vào cách chế biến công phu nhưng yếu tố chính vẫn là thịt (heo). Thịt nạc phải săn, tươi, được cắt theo chiều ngang thớ thịt chừng 3 phân, thái nhỏ, để ráo nước rồi mới cho vào cối quết. Thợ làm nem là những người trai lực lưỡng. Muốn thịt được nhuyễn, dai, giòn, người thợ phải quết liên tục, không có quãng thời gian ngừng tay lâu, chỉ dừng lại khi thịt đã "chín". Mỗi cối thịt chỉ nặng chừng vài ký. Trong lúc quết họ còn gia thêm đường và muối theo một tỷ lệ chính xác. Khi thịt đã chín, nhuyễn người ta gia thêm tiêu hạt và da heo đã xắt nhỏ như con bún, hoặc như hạt lựu.
 nem chợ huyện
    Nem tươi có mùi vị thơm lựng sau khi được nướng than, ăn kèm với rau mùi, tía tô, rau răm, chuối, khế xắt nhỏ, dưa leo, nước chấm (hoặc xì dầu) và vài múi tỏi, trái ớt. Tùy theo sở thích, có người chỉ ăn độc một thứ nem để tận hưởng hương vị của thịt; có người lại thích cuốn với bánh tráng mỏng để thưởng thức cái dai, cái giòn của đặc sản này. Nem tươi ăn liền, ai muốn để dành hoặc làm quà cho người thân thì mua nem chua. Nem chua là nem tươi được gói bằng lá vông, bên ngoài bọc lá chuối. Ngày nay người ta dùng lá ổi thay cho lá vông nhưng nem được gói bằng lá vông ngon và dịu hơn. Sau khi gói được ba ngày thì nem sẽ đến độ chín, chua như món dưa cay tuyệt vời.
    Nem chợ Huyện vừa ngọt lại vừa béo, dai mà lại giòn; đủ các vị mặn, ngọt, dai, giòn, thơm béo nên ăn dẫu có nhiều cũng không ngán. Lại nữa, nem hoàn toàn bằng thịt nạc nên ta có thể ăn no mà không sợ hàn. Thực khách cứ sau khi thưởng thức một mẩu nem rồi uống một ngụm rượu Bàu Đá thơm, cay, nồng, tăm rượu sui sủi thì không gì sảng khoái bằng!
Bình An            
Việt Báo (Theo_Thanh_Nien)



Ở Việt Nam, suối nước nóng có tại nhiều nơi. Song, món gà hấp cát trên dòng suối nước nóng ấy chỉ có ở một nơi là Hội Vân của xứ cát (Phù Cát) Bình Định. Từ Quy Nhơn, du khách cứ xuôi theo quốc lộ 1 khoảng 35km ra đến thị trấn Ngô Mây rồi rẽ ngược lên phía tây khoảng 2km là đến Hội Vân thuộc xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát để thưởng thức món gà hấp cát sau khi thỏa thuê tắm táp trên dòng suối nước nóng.

d10
Huyền thoại dòng suối nóng Hội Vân
 
Suối nước nóng Hội Vân được xếp vào một trong bảy suối nước nóng nổi tiếng nhất Việt Nam. Sử cũ ghi rằng: “Phường Đống Đa, huyện Phù Ly, phủ Quy Nhơn vào năm Minh Mệnh 13 (tức năm 1832, huyện Phù Ly chia thành hai huyện Phù Mỹ và Phù Cát) có một cái đầm tròn. Đầm ngày ngày thường sôi, nước trong suốt tới đáy, nóng không thể gần được. Lúc tạnh thì bốc khói, lúc mưa khói càng bốc lên nghi ngút. Trâu, dê ngã xuống như bị luộc. Trong đầm cũng có cá sống được. Tôm, cua đều có sắc đỏ”.
 
Ấy là sử xưa. Còn nay, trong sử sách gần hơn, người ta chép rằng: “Suối nước nóng Hội Vân phát nguyên từ vùng núi thấp phía bắc; đến thôn Hội Vân, nước chảy vào một hồ nhỏ rộng chừng 400m2, sâu hơn 1m. Đáy hồ là những tảng đá lởm chởm chen kẽ nhau. Từ đó, mạch nước nóng phun lên ùng ục; khói tỏa nghi ngút giống như một chảo nước đang sôi. Hồ nằm lọt giữa một thung lũng cát mênh mông, xung quanh có núi non vây bọc”.
 

Theo các nhà khoa học, suối nước nóng Hội Vân có hơn 20 khoáng chất có ích
Nghe bảo tỉnh Bình Định có nhiều dự kiến cho việc phát triển du lịch ở khu suối nước nóng Hội Vân. Nhưng, đó cũng chỉ mới là dự kiến. Còn lúc này, dòng suối nóng Hội Vân vẫn hoang vu như xưa, vẫn “khói tỏa nghi ngút như một chảo nước nóng đang sôi”. Có khác chăng chỉ là lúc này, ở đây đã mọc lên vài ba hàng quán đơn sơ để phục vụ du khách.
 
Chị Lê Thị Dư, một trong những chủ quán ở đây bảo rằng: “Suối nước nóng Hội Vân xưa nay vẫn vậy, vẫn để luộc gà, luộc bò, luộc dê…; vẫn dành cho mọi người múc nước về tắm chữa bệnh ngoài da như ghẻ lở, hắc lào… Nhà ai đó ở gần đây có cưới hoặc có giỗ phải ngả bò hoặc thịt heo, thịt dê gì đó thì không phải nấu nước sôi, cứ cắt tiết xong là mang ra đây nhúng vào dòng nước sôi ùng ục rồi mang về nhà xẻ thịt, hoặc cũng có thể xẻ tại chỗ rồi mang về làm đám, tiện vô cùng!”.
 
Hỏi: “Nghe nói ở đây có cái miếu thờ công chúa con vua Chàm, nó ở đâu?”. Chị Dư rành chuyện: “Ở phía mạn bắc kia kìa, xưa là khu rừng rậm (nay chỉ còn lèo tèo dăm khóm cây dại), có cái miếu thiêng lắm. Nhưng nay nó đã bị tụi trẻ chăn bò phá mất rồi…”.
 
Chuyện xưa kể rằng vua Chăm thuở ấy có cô con gái cực xinh nhưng suốt ngày chỉ quẩn quanh trong loan phòng bởi khắp mình bị ghẻ lở. Anh chàng phò mã sau một chuyến săn bắn về tâu lại với triều đình: “Xứ Phù Ly có dòng suối tiên, nghe thần dân bảo rằng chữa được bệnh ghẻ ngứa, vậy nay xin được rước công chúa đến tắm!”. Quả là như thế, chỉ vài hôm trút bỏ xiêm y trên dòng suối, ghẻ ngứa trên người công chúa hết sạch. Bởi vậy, suối nước nóng Hội Vân cho đến ngày nay vẫn còn được gọi tên là suối Tiên.
 
Ăn gà hấp cát
 
Dòng suối Tiên ấy cho đến tận ngày nay vẫn còn có tác dụng chữa trị các bệnh ngoài da nên người dân quanh vùng vẫn thường xuyên đến đây múc nước đem về. Nhưng, một giá trị khác mà chỉ ở riêng ngay tại dòng suối này chúng ta mới mục sở thị được là món gà hấp cát! Chuyến về Hội Vân vừa rồi, chúng tôi đã không bỏ lỡ dịp thưởng thức món gà hấp cát suối nước nóng gần như là độc nhất vô nhị ấy!
 
Hấp gà trong cát 
Gà Hội Vân là gà nhà, thịt săn chắc và ngọt. Chị Lê Thị Dư bảo rằng “Các loại gà khác mà đem vào đây hấp cát thì thịt nhão ra trông ghê lắm, khách chê liền tức khắc”. Bởi vậy, quán của chị (và cả mấy quán khác ở đây cũng vậy) phải hấp cát gà ta thả vườn mới hấp dẫn. Vòng ra phía sau nhà, người bà con cùng đi với chúng tôi chỉ tay vào một con gà mái nặng khoảng hơn kg: “Con này thịt chắc là ngon?”. Nhoáng cái, con gà được cắt tiết rồi mang ra suối.
 
Ở nơi bọng giếng giữa suối đang có mấy đứa trẻ luộc trứng. Nước trong bọng giếng sôi ùng ục. Khói bốc lên nghi ngút. Mùi lưu huỳnh xộc vào mũi hơi khó chịu nhưng lại rất thú vị. Trước tiên, con gà “đãi khách” được chủ quán trụng trong dòng nước nóng sặc mùi lưu huỳnh ấy.
 
Người bà con của tôi vốn không lạ gì món gà hấp cát ở suối nước nóng Hội Vân nên tỏ ra sành sỏi: “Điều hấp dẫn là con gà đem trụng vào suối nước nóng không bao giờ bị lột da. Lạ lắm, nước chỉ làm cho vừa đủ nóng để nhổ lông chứ không làm tróc da như trụng nước sôi bình thường. Có thể là nhờ ở chất lưu huỳnh có trong dòng suối khoáng!”.
 
Sau khi nhổ lông, chị Dư chủ quán đem mấy thứ gia vị ra ướp con gà rồi cuộn nó trong tấm giấy bạc kín bưng. Xong, con gà lại một lần nữa được đem nhúng vào dòng nước nóng. Lần này, chủ quán moi một cái hố nhỏ, bỏ con gà đã ướp gia vị và gói trong giấy bạc ấy vào cái hố rồi lấp đầy cát lên trên.
 
“Nước nóng, cát nóng, con gà hấp thụ những thứ có trong dòng suối trở nên hấp dẫn hơn nhiều so với hấp nước sôi theo kiểu thông thường. Du khách khắp nơi khi đến đây cũng thường đặt làm theo kiểu này để họ mang về” - chị Dư chủ quán vừa lấp cát lên con gà vừa nói. Gần một tiếng đồng hồ sau, con gà hấp cát được moi lên.
 
Các món gà quay, gà rô ti, gà luộc, gà bọc đất sét… có ở nhiều nơi. Nhưng, chắc chắn một điều là “ở nhiều nơi” ấy không thể “chế biến” được món gà hấp cát trong “nước vô trùng, chứa khoảng 20 khoáng chất có ích…” (theo kết quả của các nhà khoa học nghiên cứu đưa ra) của Hội Vân. Quả thật là thú vị!

Tháp Dương Long  hay còn gọi là Tháp Ngà - một cụm di tích gồm ba tháp Chăm thẳng hàng trên một gò cao thuộc hai thôn Vân Tương, xã Bình Hòa và An Chánh, xã Tây Bình, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, được xây dựng vào cuối thế kỷ XII. Đây là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của nền văn hóa Chămpa. Cụm tháp này gồm ba tháp: Tháp giữa cao 24m, hai tháp bên cao 22m, phần thân của các tháp xây bằng gạch, các góc được ghép bởi những tảng đá lớn chạm trổ công phu.



      Tháp Dương Long được xây dựng vào cuối thế kỷ 12. Đây là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của nền văn hóa Chăm Pa. Tính quy mô của tháp Dương Long được thể hiện không chỉ ở chiều cao của nó (cao nhất trong các tháp Chăm còn lại ở Việt Nam) mà còn ở lối kiến trúc độc đáo, đặc biệt là các hoa văn, hoạ tiết được khắc tạc trực tiếp trên những tảng đá đồ sộ đặt ngay trên đỉnh tháp. Dương Long nằm bên cạnh một khu thành dân sự - thành Phú Phong, mặc dù đã trở thành phế tích. Ngoài các tháp, trong khu vực chính dường như còn có một tòa nhà dài ở phía nam mà nay chỉ còn là một đống gạch vụn.
       Người Pháp gọi tháp này là Tour d’ Ivoire (Tháp Ngà).
Tháp đã nhiều lần bị phá hoại bởi những nhóm người đi tìm vàng, một số hộ dân quanh đấy cũng đã lấy gạch của tháp về xây nhà trong quá khứ.
Bản Đồ: cách sân bay Phù Cát khoảng 10km về phí Tây-Nam